Eco – minimalism là một cụm từ đang được ưa chuộng trong giới thiết kế nội thất. Nó là sự kết hợp của hai từ: “Eco” (sinh thái) và “Minimalism” (tối giản). Một không gian nội thất theo phong cách eco – minimalism là một không gian chứa đựng những gì gần gũi nhất với con người sống trong đó. Hay nói cách khác, đây là hành trình tìm về những sắc thái tự nhiên, vật liệu tự nhiên, những thứ đã xuất hiện ngay từ buổi sơ khai của loài người, vẫn luôn tồn tại song song đi cùng lịch sử phát triển và giờ đây được chắt lọc và thổi hồn cho không gian nội thất đương đại.
Xu hướng Eco – Minimalism trong thiết kế nội thất đương đại
Gạch, đá, gỗ, gốm, thuỷ tinh, đất sét, vải lanh, mây, tre… đều có chỗ đứng trong không gian nội thất này. Ngay cả những bông hoa bình dị được hái bên hàng rào, cắm vội vào một bình gốm xinh xắn cũng có thể là một chi tiết trang trí nội thất đẹp lay động lòng người. Khi lựa chọn xu hướng này, khả năng cảm nhận cũng như sự tác động của cảm xúc không gian (space feeling) tới con người được cho là quan trọng nhất.
Định nghĩa phong cách eco (sinh thái): Thiết kế nội thất được quyết định chủ yếu bởi yếu tố thiên nhiên. Một trong những đặc tính của phong cách Eco là sử dụng vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên hay những loại vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng; quá trình sản xuất sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và hạn chế gây tác động xấu đến môi trường; thiết kế có tính bền vững, tận dụng tối đa nét đẹp của thiên nhiên để không gian trở nên gần gũi, tiện nghi, thân thiện và hòa hợp với môi trường; đề cao sự thoải mái tuyệt đối của người sử dụng, mang lại cho con người những lợi ích to lớn về sức khỏe và tinh thần.
Định nghĩa phong cách minimalism (tối giản): Là xu hướng có sức hút bền bỉ nhất ở mọi lĩnh vực, trong đó có thiết kế nội thất tối giản, đề cao những sản phẩm cũng như phong cách sống đơn giản nhưng chất lượng, những lựa chọn khiêm tốn nhưng mang lại hiệu suất, giá trị và lợi ích sử dụng vượt trội; tôn sùng sự giản lược trong ngôn ngữ kiến tạo không gian, nhưng những chi tiết hiếm hoi có mặt trong thiết kế phải được chăm chút thật kỹ lưỡng và hoàn hảo, tối giản, tối thiểu ngay cả trong việc sử dụng ánh sáng, chắt chiu để ánh sáng trở nên quý giá trong không gian nội thất…
Eco – minimalism không chỉ là một xu hướng, một phong cách thiết kế nội thất đương đại mà còn thể hiện lối sống và suy nghĩ của con người sống trong không gian đó – khi con người ngày nay bắt đầu có xu hướng tìm về với tự nhiên, tìm về bản thân ngay ở nhà mình.
Sự pha trộn của các phong cách trong thiết kế nội thất luôn thú vị! Kết quả của nó có thể tạo ra “phản ứng hoá học” đáng kinh ngạc: Một “chất” mới hoàn toàn hay một “hỗn hợp” tuyệt vời như ở trường hợp của phong cách eco-minimalism này. Tại sao phong cách này đã và đang được yêu thích bởi hàng triệu người? Bạn có bao giờ nghĩ đến đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy mệt mỏi với nhịp sống điên cuồng, ồn ào của các thành phố đô thị chưa? Và tất cả những gì bạn muốn vào thời điểm đó là trốn ngay đến một ngóc ngách nào đó yên tĩnh, những vùng quê thanh bình hay một ốc đảo chỉ có bạn và Đất – Trời – Cỏ cây – Đó thực sự là một Thiên đường!
Mẫu thiết kế nội thất theo phong cách eco-minimalism
Và “thiên đường” đó giờ đây có thể dễ dàng được tạo ra trong không gian sống của bạn. Bởi, phong cách eco mang con người đến với thiên nhiên và hoà hợp với nó. Bởi, nguyên tắc của xu hướng eco-minimalism là sử dụng những hình dạng cơ bản, trang trí vừa phải, và sự thống nhất trên tất cả các bề mặt: Tường, trần, sàn và đồ nội thất. Ưu tiên sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên và vật liệu tái chế, giảm bớt vật liệu nhựa, kim loại. Một căn phòng được thiết kế và trang trí theo cách như vậy sẽ mang lại cảm giác thật sự dễ chịu để nghỉ ngơi, thư giãn – không có chi tiết thừa thãi cũng như không tìm thấy những thứ có hại cho sức khỏe con người.
Về cơ bản, phong cách eco được đặc trưng bởi những hình ảnh “nhẹ nhàng”, “tự nhiên” và “tự do”. Vì vậy, giải pháp màu sắc ưu tiên việc giữ các bức tường ở những sắc thái trung tính nhất: Từ màu trắng tinh khiết đến màu của vỏ trứng và màu xám nhạt. Bằng cách này, không gian dường như được mở rộng hơn và thoáng mát hơn.
Tuy nhiên, để một không gian với sắc màu “đơn giản” không trở nên “đơn điệu”, có thể đặc cách sử dụng một vài điểm nhấn tươi sáng. Màu xanh lá cây và màu vàng là hai màu phổ biến được ưa chuộng trong xu hướng eco – minimalism. Việc đưa thêm màu nâu hoặc màu đen cũng là một lựa chọn thú vị, đặc biệt nếu vật liệu gỗ và đá tự nhiên được sử dụng trong không gian nội thất. Có thể thấy rằng, bảng màu của xu hướng thiết kế nội thất nhà eco – minimalism dựa trên những màu nguyên gốc của vật liệu tự nhiên. Và vô hình chung, các vật liệu đã tự phối màu với nhau rất hài hoà mà người thiết kế không cần can thiệp nhiều, không gian nội thất tự nó giống như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.
Một nguyên tắc quan trọng – Đó là giảm thiểu số lượng đồ nội thất… Xu hướng này giống như Tự nhiên, mật độ dày đặc và đa dạng quá sẽ phá vỡ sự cân bằng. Đó là lý do tại sao nếu lựa chọn xu hướng eco – minimalism, hãy ưu tiên cho không gian sống và ánh sáng tự nhiên, đồng thời chỉ để lại các vật dụng nhỏ gọn, có giá trị sử dụng cao và thực sự yêu thích. Ví dụ, khi đặt một tủ quần áo thay vì một tủ tường để quần áo trong phòng: nó vẫn có thể chứa đủ những thứ cần thiết, nhưng nó nhỏ hơn và căn phòng sẽ có thêm một khoảng không phía trên tủ.
Xu hướng nội thất eco – minimalism ưa thích các đồ nội thất gỗ hoặc ít nhất cũng có những bộ phận được làm bằng gỗ. Tất nhiên, cần giữ cho các chi tiết đơn giản tối đa, đúng với tinh thần của phong cách eco - minimalism, nhưng hãy để nó tạo cảm giác gần với Tự nhiên hơn, có thể nhấn nhá hoạ tiết cũng như thêm chút sắc màu nếu đó là màu tự nhiên.
Cây xanh trong nội thất, hoa tươi trong lọ, bình hoa bằng gốm hoặc đất nung, giỏ bện bằng sợi tự nhiên, gối, chăn, rèm cửa, khăn trải bàn bằng vải cotton hoặc vải lanh với các hoạ tiết hoa trang trí là những chi tiết bổ sung đắt giá cho không gian nội thất. Đừng vì yếu tố “tối giản” mà bỏ qua sự thú vị của việc “chơi” với chất liệu bề mặt của vật liệu. So với chủ nghĩa tối giản thuần tuý, ở phiên bản eco – minimalism, các loại vật liệu bị hạn chế hơn, không nên sử dụng các vật liệu kim loại, nhựa hoặc các đồ nội thất có chi tiết gốc crom, plastic.
Điều quan trọng là càng nhiều vật liệu sử dụng có nguồn gốc từ tự nhiên càng tốt, cùng với sự trở lại của một số giải pháp thi công truyền thống (tường đất, tạo hoa văn, tạo màu bề mặt tường đất sét không sơn…) tạo nên những thiết kế đẹp bền vững và thân thiện với môi trường.
Dưới đây là một vài lưu ý về vật liệu theo phong cách thiết kế nội thất Eco - Minimalism
Gỗ được chứng nhận FSC: Chặt cây không bao giờ là tốt, tuy nhiên, có nhiều cách bền vững để khai thác gỗ. Nếu muốn sử dụng đồ nội thất bằng gỗ tự nhiên, nếu có thể hãy tìm gỗ được chứng nhận FSC. FSC là viết tắt của Forest Stewardship Council – Hội đồng Quản lý rừng – một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy quản lý rừng một cách có trách nhiệm và bền vững. Những sản phẩm có chứng nhận FSC có nghĩa là gỗ được lấy từ các khu rừng được trồng, khai thác và quản lý một cách có trách nhiệm với môi trường;
Gỗ tái sử dụng, gỗ tái chế, gỗ tận dụng: Có sự khác biệt giữa những loại gỗ này. Nhưng đây đều là sự lựa chọn bền vững;
Tre cũng là vật liệu tự nhiên bền vững vì nó phát triển nhanh, tái tạo nhanh, cần ít năng lượng để sản xuất hơn gỗ, nó bền, linh hoạt trong tạo hình, có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm dù là bao che, kết cấu và đồ nội thất…;
Mây khá giống với tre về lợi ích bền vững của nó, nó là một vật liệu tự nhiên, có thể tái chế và có thể phân huỷ sinh học;
Đá (tốt nhất là tái sử dụng hoặc tái chế): Sử dụng đá tự nhiên có cả ưu điểm và nhược điểm. Nó rất bền, có thể tái chế. Tuy nhiên đá là một nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và không thể tái tạo. Đá tự nhiên không thực sự là một vật liệu bền vững và cần cân nhắc khi lựa chọn.
Vải có nguồn gốc tự nhiên sử dụng cho đồ gia dụng trong nhà: Khi nói đến hàng dệt gia dụng như thảm, ga giường, gối, khăn… vải tự nhiên là lựa chọn thân thiện, bền vững nhất và có nhiều lựa chọn như cotton hữu cơ, lanh, len hữu cơ, gai, đay… Nếu có thể hãy tìm những sản phẩm có chứng nhận GOTS (Global Organic Textile Standard – Tiêu chuẩn toàn cầu cho vải dệt hữu cơ) – Đó là chứng nhận đạt tiêu chuẩn đối với sợ hữu cơ, bao gồm các tiêu chí sinh thái và xã hội, hoặc chọn các sản phẩm từ vải dệt, nhuộm màu… theo phương thức truyền thống, vải tái chế.
Một đặc trưng khác, khá thú vị của xu hướng thiết kế eco – minimalism chính là “bản sắc” của không gian sống. Mọi chi tiết đều được chăm chút và để ý đến sự kết nối với lịch sử của không gian với người sống trong đó. Đó là lý do khi bức tường của bạn có vài vết xước hay vết nứt nhỏ, đừng làm mới nó, nó chính là điểm thú vị nhất của xu hướng này. Đừng vứt bỏ những chậu cây cũ, những cái bát gốm bị rạn men, những cái đĩa gỗ sơn màu hay những chiếc khăn trải bàn ố màu…, những chi tiết mang đậm dấu ấn thời gian có thể là những chi tiết trang trí tuyệt vời nhất cho không gian nội thất. Hãy tìm cách mang lại sức sống mới cho một thứ đã cũ, đó luôn là lựa chọn bền vững. Mỗi đồ vật cũ đều có câu chuyện riêng của nó, có rất nhiều cách kéo dài tuổi thọ của một món đồ nội thất miễn là người sử dụng thực sự có ý thức bảo vệ môi trường và mong muốn không gian sống của mình có cá tính riêng độc đáo.
Có thể nói ngắn gọn rằng: Vật liệu tự nhiên, trang trí tối thiểu, màu sắc trung tính và giữ được bản sắc riêng là những đặc điểm chính của xu hướng eco – minimalism.
AVA - Công ty thiết kế nội thất uy tín tại TP. Hồ Chí Minh với nhiều năm kinh nghiệm và đội ngũ nhân viên tay nghề cao, đảm bảo quý khách hàng có được một thiết kế nội thất nhà ưng ý nhất. Vui lòng liên hệ hotline: 0909.111.586 gặp MR. Đạt để được tư vấn và hỗ trợ nhiều hơn.